Triển khai dịch vụ công trực tuyến: Nền tảng xây dựng Kho bạc số

In

Sau hơn 2 năm triển khai, vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước, Ninh Bình đã triển khai đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong giao dịch với Kho bạc Nhà nước, từng bước hướng đến hình thành kho bạc điện tử theo chiến lược phát triển của ngành.

Sau hơn 2 năm triển khai, vận hành và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong hoạt động nghiệp vụ kho bạc Nhà nước, Ninh Bình đã triển khai đến 100% các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng quy định góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị và người dân trong giao dịch với Kho bạc Nhà nước, từng bước hướng đến hình thành kho bạc điện tử theo chiến lược phát triển của ngành. 

Thay vì phải đến trực tiếp trụ sở Kho bạc Nhà nước tỉnh để thực hiện các giao dịch như trước đây, từ khi có dịch vụ công trực tuyến kiểm soát chi qua kho bạc, chị Hà Thị Thanh Tâm, Kế toán của Báo Ninh Bình không cần phải mang hồ sơ đến Kho bạc để giao dịch mà chỉ cần ở ngay tại đơn vị mình thao tác và "click" chuột đã có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chị còn được cung cấp thông tin đầy đủ về thời gian, quá trình tiếp nhận hồ sơ, kiểm soát thanh toán thông qua các trạng thái hiển thị trên phần mềm ứng dụng... từ đó giúp chị Tâm chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Như vậy, với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ tiết kiệm được văn phòng phẩm, thời gian đi lại đưa hồ sơ, chứng từ đến Kho bạc, tránh phiền hà, sách nhiễu mà mức độ an toàn, bảo mật lại cao và minh bạch trong quá trình kiểm soát hồ sơ. Lợi ích mang lại từ dịch vụ công trực tuyến còn được xem là bước tiến nhảy vọt đối với các đơn vị sử dụng ngân sách ở các địa phương xa trung tâm Kho bạc Nhà nước như các xã của huyện Nho Quan, Kim Sơn. Sử dụng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại, chi phí in ấn, chỉ cần có máy tính kết nối Internet việc giao dịch sẽ hết sức thuận tiện, nhanh chóng mọi lúc, mọi nơi. 

Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kho bạc Nhà nước. Cán bộ giao dịch có thời gian, không gian tập trung giải quyết công việc. Các thao tác nghiệp vụ được thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cũng nhanh hơn, thuận tiện hơn so với thao tác bằng chứng từ, hồ sơ giấy. Quan trọng nhất là hệ thống này giúp hạn chế sai sót, đồng thời nâng cao trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách khi yêu cầu nhập thông tin chính xác. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại lợi ích hết sức to lớn góp phần hoàn thành "mục tiêu kép" vừa chống dịch hiệu quả vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. 

Với quyết tâm của Kho bạc Nhà nước, xây dựng nền hành chính công minh bạch, tất cả vì khách hàng, thời gian đầu dù quá trình triển khai thực hiện hết sức khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Kho bạc, đến nay 1.024/1.024 đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trong tỉnh đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến kiểm soát chi qua kho bạc, đạt tỷ lệ 100%, trừ các đơn vị thuộc khối an ninh, quốc phòng. Tổng số chứng từ chi ngân sách Nhà nước phát sinh trên dịch vụ công trực tuyến tại hệ thống kho bạc Nhà nước tỉnh đạt 99,93%. 

Ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước, UBND tỉnh Ninh Bình về triển khai dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị kho bạc nhà nước. Ngay từ năm 2018, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã triển khai thí điểm tại đơn vị và tự rút kinh nghiệm để đến năm 2019 chính thức triển khai trên phạm vi toàn tỉnh. Để triển khai đồng loạt trên phạm vi rộng, Kho bạc nhà nước tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc triển khai dịch vụ công trực tuyến với nhiệm vụ thực hiện công tác tuyên truyền về lợi ích khi triển khai dịch vụ công của ngành kho bạc đối với các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Đồng thời khảo sát về điều kiện và mức độ tham gia dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị.

 Sau khi khảo sát tổ công tác đã hỗ trợ các đơn vị sử dụng ngân sách tập huấn theo hình thức "cầm tay chỉ việc", mục tiêu đề ra là giúp các đơn vị có thể thành thạo các thao tác trên phần mềm, thực hiện gửi hồ sơ điện tử đến Kho bạc Nhà nước để kiểm soát thanh toán. Đến thời điểm hiện tại ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai và đi vào hoạt động ổn định, các đơn vị sử dụng ngân sách cơ bản thực hiện tốt các tác nghiệp trên ứng dụng, do đó các yêu cầu hỗ trợ về đăng ký, thay đổi thông tin, lập chứng từ hồ sơ thanh toán đã giảm. 

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai và thực hiện đến nay vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, trong quá trình vận hành vẫn thường xảy ra lỗi liên quan đến cập nhật trạng thái chứng từ dịch vụ công trực tuyến. Việc thiếu các chức năng hỗ trợ tài khoản quản trị tỉnh trên ứng dụng gây khó khăn trong công tác hỗ trợ cho các đơn vị tham gia dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là ứng dụng dành cho đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước. 

Những kết quả từ việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Nhà nước tỉnh trong thời gian qua đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cải cách hành chính. Phát huy các kết quả đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động nghiệp vụ trên địa bàn. Đề xuất Kho bạc Nhà nước tiếp tục nâng cấp, cải tiến chương trình, tối ưu hóa các ứng dụng để khắc phục một số khó khăn, hạn chế phát sinh trong quá trình vận hành thực tế tại đơn vị. Với những kết quả này Kho bạc Nhà nước tỉnh đang dần hiện thực hóa được mục tiêu vì một nền hành chính phục vụ, tất cả vì khách hàng, hướng tới xây dựng Kho bạc số trong tương lai.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Theo https://baoninhbinh.org.vn/

Thẻ tag: ttpvhccnb

Tin đã đăng