Dịch vụ công trực tuyến mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp

In

Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) là một trong những nội dung quan trọng trong cải cách hành chính được tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh thực hiện. Thông qua đó, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu phục vụ tối đa lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian qua, việc ứng dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong cải cách TTHC. Sử dụng DVC trực tuyến giúp giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.  

Ngoài ra, việc nộp hồ sơ qua cổng DVC trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể thực hiện 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ, thì nay, với phương thức dịch vụ công trực tuyến, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm…

 Đến tháng 5 năm 2022, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình tại địa chỉ https://dichvucong.ninhbinh.gov.vn/ đã cung cấp 1.346 TTHC. Trong đó, 152 TTHC mức độ 3 (đạt 11,3%), 983 TTHC mức độ 4 (đạt 73,03%).

Công dân tra cứu TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình.

Theo thống kê, tính riêng tháng 5/2022 tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận mới 6.941 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 3.446 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 49,65%).

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3: tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Chỉ sau vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet, hồ sơ đăng ký đã được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi.

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4: ngoài việc tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi thì người sử dụng còn nhận được kết quả giải quyết TTHC gửi qua đường bưu điện, người sử dụng sẽ thực hiện thanh toán phí, lệ phí, cước phí bưu chính theo quy định (nếu có). Nói đơn giản hơn là với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức, công dân không cần đến cơ quan nhà nước mà vẫn có thể đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Cùng với đó, khi ứng dụng phần mềm liên thông giữa Cổng DVC Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/) với các sở, ngành đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giảm giấy tờ, giảm công sức và thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho tổ chức, công dân.

Để thúc đẩy quá trình sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng khi sử dụng DVCTT bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng như: tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo; trình chiếu các đoạn video hướng dẫn sử dụng dịch vụ để tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng tổ chức, người dân. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện sử dụng DVCTT khi giải quyết TTHC cũng như giới thiệu, hướng dẫn cho người thân cùng thực hiện; quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại Bộ phận một cửa để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, sử dụng việc nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến.

Có thể nói, khi các tổ chức, công dân tham gia dịch vụ công trực tuyến sẽ đạt được những lợi ích thiết thực như: Thủ tục đăng ký đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện 24/24 giờ trong ngày tại mọi địa điểm có kết nối Internet; Tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ; Chủ động các công việc khác của công dân; Theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website trực tuyến; qua tin nhắn điện thoại; địa chỉ email; Đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục. Tại một số thủ tục, công dân không cần đến cơ quan nhà nước thực hiện thủ tục hành chính và được nhận kết quả tại nhà.

Việc đẩy mạnh sử dụng các DVCTT để giải quyết các TTHC trong thời gian qua đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục cần thiết mà không cần đến trực tiếp cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, DVCTT mức độ 4 góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện thực hóa Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số trong tương lai./.

                                                      Lan Hương – Điện lực Ninh Bình

 

 

Thẻ tag: dịch vụ công

Tin đã đăng