Giới thiệu chung

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình

         

          Ngày 05 tháng 01 năm 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số: 23/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình vinh dự được Tỉnh ủy chọn là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Dự án và tiến hành các công tác chuẩn bị, ngày 12 tháng 10 năm 2020 Trung tâm tổ chức Lễ khai trương, gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và chính thức đi vào hoạt động.

 

1. Vị trí:

          Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có con dấu, tài khoản riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trung tâm chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; quản lý, điều hành trực tiếp của Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

2. Chức năng:

          Trung tâm có chức năng là đầu mối để các sở, ngành bố trí công chức, viên chức đến thực hiện việc hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân theo quy định; phối hợp tham mưu, đề xuất triển khai các giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số.

 

3. Thủ tục hành chính thực hiện tại Trung tâm

a) Số lượng TTHC các sở, ban, ngành thực hiện tại Trung tâm

          Tại thời điểm tổ chức khai trương, chính thức đi vào hoạt động ngày 12 tháng 10 năm 2020, có tổng số 1334 TTHC thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm, trong đó:

- 1300 TTHC của 17 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh, gồm các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.

- 44 TTHC của 03 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, gồm: Công an tỉnh (13 TTHC); Bảo hiểm xã hội tỉnh (9 TTHC), Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình (12 TTHC).

b) Thời gian tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC

          Trung tâm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần (trừ ngày nghỉ Lễ, tết theo quy định).

- Buổi sáng: Từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ 00 phút.

- Buổi chiều: 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút.

          Việc thành lập và đưa Trung tâm chính thức đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân tỉnh nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cùng với đó là mong muốn và quyết tâm tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nhằm giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại. Đặc biệt, trong điều kiện tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số, Trung tâm Phục vụ hành chính công khi đi vào hoạt động được giao trọng trách phấn đấu trở thành một trong những hạt nhân quan trọng để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng Chính quyền số, xã hội số, kinh tế số của tỉnh.



Đăng bởi: Quản trị viên - Ngày đăng: 09/02/2023